Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là ngôi nhà của chàng công tử người Việt gốc Hoa (Huỳnh Thủy Lê, con chủ nhà) giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà nổi bật với lối kiến trúc Đông Tây kết hợp vô cùng độc đáo và chuyện tình của Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ Marguerite Duras người Pháp.
Giá vé tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
- Giá vé chung cho cả người Việt và người nước ngoài: 20.000 đồng (bao gồm một hướng dẫn viên nói tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc Việt Nam; nước trà và mứt gừng).
- Khách du lịch có thể ăn trưa và ăn tối với giá 100.000 đồng/người.
- Có hai phòng cho bốn người, nếu du khách muốn ở lại nghỉ đêm tại đây, giá: 550.000-1.000.000 đồng/đêm (bao gồm một bữa ăn trưa và một bữa ăn sáng).
- Địa chỉ: 255A Nguyễn Huệ, P. 2, Thị Xã Sa Đéc, Đồng Tháp
- Giờ mở cửa: 8:30 AM- 5:30 PM
Cách di chuyển đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Xuất phát từ TP.HCM, bạn tìm đường quốc lộ để về miền Tây. Để tiết kiệm thời gian di chuyển, bạn đi ô tô nên đi theo đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Đi hết đường cao tốc, bạn lại tiếp tục đi thẳng theo hướng QL1A. Khi đi qua cầu Bắc Mỹ Thuận, bạn cho xe đi về hướng QL80. Đi thêm khoảng 5km nữa, bạn sẽ đến cổng vào nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngụ ở số 255A trên đường Nguyễn Huệ.
Nếu đi bằng xe máy, bạn đi theo hướng QL1A mà không phải cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Lộ trình này sẽ dài hơn đi bằng cao tốc khoảng 5km. Tuy nhiên, đi du lịch phượt nhà cổ Huỳnh Thủy Lê bằng xe máy lại mang đến cho bạn trải nghiệm phượt miền Tây đầy thú vị. Tuy nhiên, đi xe máy cũng có nhiều bất cập nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn phương tiện này.
Kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Tuy đã tồn tại cả trăm năm nhưng kiến trúc ngôi nhà cổ hầu như còn nguyên vẹn và trầm mặc. Mọi thứ ở đây dường như đã bị thời gian ngưng đọng, nhuộm cả một sắc màu cổ kính nhưng vẫn toát lên nét sang trọng, tinh tế.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ thứ 19, nằm ngay cạnh sông Sa Đéc. Ban đầu ngôi nhà chỉ được xây dựng với vật liệu thô sơ, cho đến năm 1917 được chủ nhân tu sửa lại. Bên trong vẫn giữ màu sắc Á đông nhưng bên ngoài lại được bao gạch theo lối kiến trúc Pháp.
Ngôi nhà gồm có 3 gian rộng hơn 250 m2 đang đậm chất miền Tây Nam Bộ. Vật liệu xây nhà chủ yếu là gỗ quý và ngói nhập từ Trung Hoa. Phần mái nhà được thiết kế mềm mại mang đậm chất Việt Nam với ngói âm dương và 2 đầu cong vút. Trước ngôi nhà có khoảng sân vườn vô cùng thoáng mát.
Tuy bề ngoài ngôi nhà giống như một biệt thự kiểu Pháp nhưng không gian bên trong ngôi nhà là phong cách thiết kế đậm chất người Hoa. Ở giữa nhà là bàn thờ phụng Quan Công với một bức tượng được sơn son thếp vàng, hai bên có đôi rồng phượng chạm khắc tỉ mỉ. Bên cạnh đó là những chi tiết trang trí khác cũng được chạm trổ hoa lá, chim muông với mong muốn đủ đầy. Đặc biệt là những chiếc sập gụ, khung bao hay đồ vật trang trí bằng gỗ đều được khảm hình tứ quý, tứ linh (lấy hình tượng con dơi thay con rùa)
Phần cửa sổ được thiết kế hình vòm theo phong cách Phục Hưng. Trần nhà cũng được làm tỉ mỉ với những chi tiết xen kẽ của 2 nền văn hóa. Trong nhà vẫn còn lưu giữ nhiều vật dụng như giá sách, đồng hồ, máy hát đĩa cổ, bình trà, tivi, những bức hình của gia chủ,… Thậm chí phòng ngủ với chiếc giường từ hàng trăm năm đều còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Chuyện tình nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Cuối năm 1929, trên chuyến phà Mỹ Thuận chạy ngang sông Tiền, ông Huỳnh Thủy Lê bắt gặp một giai nhân nổi bật có nước da trắng, tóc nâu vàng, dáng người cao ráo, đứng lơ đễnh trên phà nhìn những đám lục bình trôi tản mạn trên sông. Ông đã chủ động làm quen cô gái đó, và cả 2 đã trúng tiếng sét ái tình ngay từ lần gặp đầu tiên.
Tình yêu ấy kéo dài gần hai năm trong bí mật và kết thúc trong nước mắt khi ông Huỳnh Thủy Lê phải cưới một cô gái đã được cha ông an bài từ trước. Nhìn tình nhân cưới người khác, Marguerite Duras đau khổ tột độ, quyết định cùng gia đình lên tàu trở về nước Pháp.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Marguerite Duras vẫn ôm nặng mối tình ấy. Trong dòng hồi tưởng, nữ văn sĩ đã viết nên tiểu thuyết “Người tình” (tên tiếng Pháp là L’amant, xuất bản năm 1984) để kể về cuộc tình trắc trở của bà.
Đến nay, tiểu thuyết “Người tình” được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Năm 1992, đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud cho ra đời bộ phim cùng tên dựa theo tiểu thuyết của bà. Bộ phim công chiếu đã nhận được nhiều sự tán thưởng của khán giả khắp nơi trên thế giới.
Bài viết liên quan: