Bạn đang có dự định Cắm trại hồ Dầu Tiếng? Bạn không biết hồ Dầu Tiếng cách TP. Hồ Chí Minh bao nhiêu km và nên di chuyển bằng phương tiện gì? Bạn không biết nên làm gì khi đến nơi? Hay tham khảo trọn bộ kinh nghiệm cắm trại hồ Dầu Tiếng dưới đây để tự chuẩn bị một kế hoạch cho chuyến đi này.
Tổng quan về Hồ Dầu Tiếng – Hồ Dầu Tiếng ở đâu?
Hồ Dầu Tiếng nằm ở tỉnh nào vẫn còn là câu hỏi với nhiều người, hồ có vị trí tiếp giáp cả 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, diện tích hồ nằm phần lớn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh.
Hồ Dầu Tiếng nổi tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với diện tích mặt hồ lên đến 27km2. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ ngày 29/04/1981 để đào hồ và hoàn thành vào ngày 10/01/1985.
Vẻ đẹp yên bình của hồ Dầu Tiếng
Không chỉ nổi tiếng là công trình thủy lợi bậc nhất phía Nam, hồ Dầu Tiếng là còn có cảnh đẹp thơ mộng, thiên nhiên hữu tình. Với những ngọn núi nhấp nhô bao bọc xung quanh, bãi cỏ trải dài, mặt nước mênh mông như không thấy điểm cuối và mặt trời rực rỡ khuất dần sau ngọn núi. Đây quả thật là một địa điểm thích hợp để cắm trại và nghỉ ngơi.
Cách di chuyển đến hồ Dầu Tiếng
Hướng dẫn đi đến hồ Dầu Tiếng
Từ Sài Gòn: Theo quốc lộ 13 – Ngã ba Suối Giữa – rẽ trái vào đường Nguyễn Chí Thanh – chạy dọc đến đường DT744 – rẽ phải vào đường Cách Mạng Tháng Tám – đường Trần Văn Lắc – rẽ phải vào đường DT702 – men dọc DT702 bờ hồ là đến.
Từ Tây Ninh: Đi từ Tây Ninh thì bạn đi theo đường Cách Mạng Tháng Tám – qua tòa thánh Tây Ninh – ngã rẽ vào núi Bà Đen. Qua thị trấn Dương Minh Châu – rẽ phải theo đường ven hồ là đến nơi cắm trại.
Phương tiện di chuyển
Xe máy: Nếu đi một nhóm nhỏ khoảng bốn người, chỉ mang theo vật dụng cần thiết thì có thể chọn xe máy. Khi di chuyển bằng xe máy thì bạn có thể thoải mái ngắm nhìn và check-in những địa điểm đẹp bắt gặp trên đường hay dùng xe dạo quanh khu vực gần hồ sau khi dựng trại.
Ô tô: Còn nếu đi gia đình hoặc đông người thì ô tô là lựa chọn phù hợp hơn so với xe máy. Tuy di chuyển bằng ô tô không thể dừng lại ven đường để check-in nhưng bù lại an toàn, mang được nhiều đồ hơn và tránh thất lạc thành viên.
Đi xe máy đến có thể dạo quanh bờ hồ
Cắm trại hồ Dầu Tiếng vào thời điểm nào?
Khi đi cắm trại hồ Dầu Tiếng bạn cần chú ý 2 mùa là mùa nước nổi và mùa nước cạn:
Mùa nước nổi: thường bắt đầu từ tháng 7 – tháng 10 âm lịch, thời điểm này Tây Ninh mưa nhiều nên mực nước trong hồ cao. Vì thế, tới hồ Dầu Tiếng thời điểm này bạn sẽ gặp một chút khó khăn để tìm nơi khô ráo xung quanh hồ để dựng trại. Thêm vào đó, nếu cắm trại vào những ngày có mưa, nhiều mây thì ngủ ngoài trời cũng gặp nhiều rủi ro hơn.
Mùa nước cạn: thường là từ tháng 11 – tháng 3 âm lịch, đây là thời điểm lý tưởng nhất để cắm trại ở hồ Dầu Tiếng. Bởi vì, Tây Ninh thời điểm này ít mưa, khô nóng nhưng khi tới hồ Dầu Tiếng bạn sẽ cảm thấy mát mẻ. Bạn có thể thoải mái dựng trại xung quanh hồ cũng như tổ chức các hoạt động dã ngoại. Đặc biệt là chèo thuyền, tắm hồ sẽ không nguy hiểm như mùa nước nổi.
Một kinh nghiệm đi cắm trại ở hồ Dầu Tiếng hữu ích dành cho bạn là nếu không sắp xếp được thời gian đi vào mùa nước cạn thì bạn hãy đi vào khoảng giữa mùa nước cạn và mùa nước nổi.
Hồ Dầu Tiếng mùa nước cạn
Cần chuẩn bị gì khi đi hồ Dầu Tiếng?
Lều cắm trại: Khuyến khích bạn nên chọn lều 2 lớp, vì sẽ chống mưa tốt hơn (thường lều sẽ đi kèm với tấm cách nhiệt để lót ngủ). Nếu không có sẵn bạn có thể thuê tại khu vực hồ Dầu Tiếng. Giá thuê mỗi lều vào khoảng 300.000 VND/ 1 người/ 1 ngày 1 đêm và có dịch vụ dựng lều đi kèm.
Túi ngủ, mền, quần áo dài tay: Vì khi ngủ ngoài trời thì thời tiết thay đổi liên tục, về đêm sương xuống trời sẽ rất lạnh nên chuẩn bị đồ giữ ấm là rất cần thiết.
Về đồ ăn, thức uống: Tùy nhóm bạn ăn gì thì tự lên kế hoạch rồi phân công nhiệm vụ từng thành viên trong nhóm để chuẩn bị. Nhưng nên chú ý đem đủ nước uống cho mỗi người.
Một số vật dụng y tế và đồ cá nhân: một số thuốc cảm, ho, sổ mũi, băng keo cá nhân, băng gạt…đặc biệt là dầu hoặc thuốc côn trùng vì những bạn lần đầu đi hay gặp phải những vấn đề này.
Một số phụ kiện đi kèm cắm trại như: bàn ghế, bạc, đèn,…nhưng theo mình những thứ này có hay không cũng được nên tùy mấy bạn có trang bị hay không…
Địa điểm check-in hồ dầu tiếng
Đồng Sến
Với mục đích xả chét cuối tuần cũng như chill chill thì mình nghĩ nếu đi nhóm bạn, gia đình với mức phí từ 600k/ người thì Đồng Sến Farmstays – Camping là một lựa chọn khá tốt.
Theo page được biết thì bạn có thể mang đồ ăn ngoài vào khu vực camping này.
Bãi Đá Trứng
Khu vực Bãi Đá Trứng hấp dẫn du khách bởi hệ sinh thái tự nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ. Đây là bãi miễn phí khi đến Hồ Dầu Tiếng. Cắm trại qua đêm, tận hưởng khung cảnh bình yên, xanh mát của rừng cây, hồ nước lớn là trải nghiệm được yêu thích.
Trong bãi sẽ có khu tốn phí, khu không, có khu cung cấp đầy than, đá, nước uống, bia, và cũng có khu không. Bạn nên chuẩn bị kỹ trước khi đến nhé
Hồ Dầu Tiếng có gì chơi?
Cắm trại và tiệc nướng kết hợp hát hò, boardgame
Hồ Dầu Tiếng có gì chơi, trước tiên phải kể đến hoạt động thú vị nhất là cắm trại trên mặt cỏ êm ái cạnh bờ hồ. Còn gì tuyệt vời hơn cảm giác “tạm trốn” nơi ồn ào, đông đúc của nhịp sống hiện đại tìm đến những giây phút lắng đọng và thả lỏng tinh thần nơi thiên nhiên hoang sơ.
Tới hồ Dầu Tiếng, bạn có thể lựa chọn cắm trại tại bãi Đá Trứng – địa điểm khá nổi tiếng với cộng đồng phượt hoặc một số điểm cắm trại tự phát khác tùy theo nhu cầu của mình.
Bãi đá trứng hồ Dầu Tiếng
Nếu có dịp cắm trại ở hồ Dầu Tiếng xuyên đêm thì bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác thú vị lẫn kích thích. Không có “ánh điện cửa gương”, nệm êm hay sóng wifi để lướt mạng xã hội cả đêm. Giờ đây chỉ có ánh lửa hồng thắp giữa đất trời bao la và giây phút trò chuyện bên nhau.
Trong quá trình cắm trại buổi tối, các bạn có thể tổ chức một bữa tiệc BBQ, kết hợp với boardgame như Cards Against Humanity, Ma sói, Uno,… hay văn nghệ, hát hò. Những hoạt động này cũng sẽ góp phần không nhỏ để tạo nên một chuyến cắm trại đáng nhớ. Một lưu ý là các bạn nên đùa giỡn và hát hò với âm thanh vừa đủ đến tránh làm ảnh hưởng đến các liều xung quanh.
Tổ chức BBQ cùng bạn bè
Cắm trại đêm ở hồ Dầu Tiếng
Bơi
Với diện tích mặt hồ rộng, Dầu Tiếng đã trở thành “Bãi biển Tây Ninh” mà người ta hay nói vui là đi “tắm biển Tây Ninh”. Hồ nước trong, sạch sẽ không thua gì các bãi biển tự nhiên. Bạn có thể hòa mình vào làn nước xanh, cùng bạn bè dạo chơi trên những bãi bồi hay tham gia các hoạt động thể thao dưới nước.
Hòa mình vào làn nước mát lành
Câu cá
Trước khi đến đây cắm trại, các bạn cũng nên chuẩn bị một số dụng cụ để câu cá: Cần câu, lưỡi câu, mồi, thính để có thể thư giãn sau những trò vận động tay chân bằng hoạt động câu cá. Tuy bạn phải mất khá nhiều thời gian, nhưng khoảng thời gian thảnh thơi trên chiếc ghế xếp và chiếc cần câu để chờ đợi thành quả hết sức tuyệt vời. Đặc biệt, sau đó bạn còn có thể thưởng thức món cá do chính tay mình làm.
Câu cá khi cắm trại hồ Dầu Tiếng
Chèo thuyền
Chèo sup là một trải nghiệm nhất định bạn phải thử khi đi cắm trại hồ Dầu Tiếng. Chẳng còn gì thú vị hơn việc lênh đênh giữa mặt hồ trong vắt, phiêu đãng giữa biển trời và chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh nên thơ ở đây.
Thời điểm thích hợp nhất để chèo sup là khi bình minh vừa ló dạng hoặc lúc hoàng hôn buông mình xuống những rặng núi.
Nếu bạn không có thuyền hoặc các dụng cụ hỗ trợ chèo sup thì có thể trực tiếp thuê tại hồ Dầu Tiếng.
Chèo sup ngắm bình minh
Ngắm bình minh và hoàng hôn
Khi ở trong thành phố, với những tòa nhà cao tầng chọc trời, bạn khó có cơ hội được ngắm trọn vẹn cảnh mặt trời mọc hay lặn. Còn đến với hồ Dầu Tiếng, nơi vừa có núi vừa có mặt nước mênh mông và bãi cỏ thênh thang thì bạn có thể dễ dàng làm được điều đó.
Chân trời hửng sáng dịu dàng
Bình minh ở hồ Dầu Tiếng lại mang nét đẹp nên thơ, êm dịu đến lạ. Những tia nắng ban mai hòa cùng mùi hương hoa cỏ len lỏi trong làn hơi mát lành của sương sớm chắc chắn sẽ chiếm trọn cảm tình của những tâm hồn mơ mộng.
Mặt trời xuống núi như hòn lửa
Hoàng hôn đỏ rực buông xuống hồ Dầu Tiếng, để lại từng dải lụa óng ánh trên mặt hồ. Cả bầu trời trong xanh giờ đây cũng nhuốm lên ánh hồng của mặt trời lúc cuối ngày. Thấp thoáng nơi xa có thể nhìn thấy hình ảnh người chèo thuyền, tất cả tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Ngắm núi Bà Đen
Đứng từ vị trí cắm trại hồ Dầu Tiếng bạn sẽ thấy được ngọn núi Bà Đen sừng sững ẩn hiện trong lớp sương mờ.
Núi Bà Đen thấp thoáng sau lớp sương mù
Lưu ý – Kinh nghiệm cắm trại hồ Dầu Tiếng
Một số lưu ý cho các bạn trước khi cắm trại hồ Dầu Tiếng:
- Nên đến sớm để tìm được chỗ cắm trại đẹp.
- Nhớ mang theo kem chống nắng và kem chống muỗi. Kem chống nắng không mang cũng được nhưng thuốc chống muỗi nhất định phải có.
- Kiểm tra dầu nhớt, phanh và lốp xe trước khi đi.
- Không nên mang hay thuê loa kéo vào quẩy, dân phường xuống hốt hồi nào không hay.
- Không xả rác và vệ sinh khu vực trước khi ra về, mình đến thế nào thì khi đi trả lại cảnh đó. Nếu thấy rác dù không phải của mình thì cũng nên nhặt luôn.
Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh được hình thành sớm hơn và có kích thước to hơn hồ Thị An ở Đồng Nai.
Hồ Dầu Tiếng hình thành do đắp chặn ngang sông Sài Gòn. Vị trí hồ nằm ở thượng nguồn sông này trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ có dung tích chứa hơn 1,58 tỉ m3 nước (tương ứng ở mực nước bình thường 24,4m), với diện tích mặt nước 270km2, diện tích lưu vực là 2.700 km2.
Hồ Dầu Tiếng cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 90km (tầm 3 tiếng đi xe máy), nên cũng không tốn quá nhiều thời gian để di chuyển đến đây.
Nếu bạn cần một nơi để chạy trốn khỏi sự vội vã của cuộc sống mà không muốn đi quá xa thì một chuyến cắm trại ở Hồ Dầu Tiếng là một lựa chọn không tồi. Hy vọng qua những kinh nghiệm chúng tôi đã liệt kê bên trên, bạn sẽ có sự cân nhắc cho riêng mình.