Nhắc đến vùng đất An Giang thì nhất định bạn phải ghé thăm đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành. Đền thờ quản cơ Trần Văn Thành là một địa điểm du lịch tại Huyện Châu Phú (Tỉnh An Giang thuộc vùng Tây Nam Bộ).
Tiểu sử Đức Cố Quản Trần Văn Thành
Theo Wikipedia, Trần Văn Thành sinh ra trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
- Năm 1840, Trần Văn Thành gia nhập quân đội nhà Nguyễn giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên, nhờ có Xiêm La giúp sức, đã khởi quân chống lại cuộc bảo hộ của Việt Nam.
- Năm 1845, sau khi lập được nhiều công lao, ông được thăng làm Chánh Quản Cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.
- Năm 1846, Nặc Ông Đôn qui phục nhà Nguyễn.
- Cuối năm Đinh Mùi (1847), xét thấy tình hình biên giới Tây Nam đã ổn định, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, triều đình cho giải ngũ một số binh sĩ, trong đó có cơ biền của Trần Văn Thành. Trước khi về lại quê nhà, ông được ban thưởng nhiều phẩm vật cùng một tờ chiếu khen là “Quản cơ tinh binh”.
- Ông Trần Văn Thành mất tại Trà Bang (Rạch Giá) ngày 25 tháng 3 âm lịch năm 1914.
Khởi nghĩa Bảy Thưa
Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 – 1873) là một cuộc kháng Pháp do Quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh, đã xảy ra trên địa bàn của tỉnh An Giang, Việt Nam.
Từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam ta luôn luôn ghi nhớ và tôn kính đối với các vị anh hùng có công với nước. Lòng tôn kính đó thường được biểu hiện qua truyền thuyết, thần thoại, ca dao, dân ca, nhất là lập đền miếu tưởng niệm. Đối với tỉnh An Giang chúng ta ai cũng biết Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) bậc khai quốc công thần của chúa Nguyễn có công khai phá Nam Bộ, Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) lập đạo Châu Đốc và đạo Tân Châu năm 1757, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) danh thần nhà Nguyễn, chỉ huy đào kinh Thoại Hà (1818), kinh Vĩnh Tế (1819-1824) khẩn hoang lập nhiều làng xã trên địa bàn tỉnh An Giang. Ông được triều đình ban thưởng rất hậu sủng, lấy tên ông và tên vợ ông mà đặt tên núi và tên sông, được sắc phong thần thờ nhiều nơi.
Ngoài ra, còn có một anh hùng dân tộc có thành tích trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh An Giang đó là Chánh Quản cơ Trần Văn Thành. Ông Trần Văn Thành quê ở làng Bình Thành Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Trần Văn Thành tham gia quân đội năm 1840 tại tỉnh An Giang. Nhờ có tài văn võ, ông được tuyển dụng làm chức suất đội chỉ huy 50 binh sĩ. Từ đó, ông theo các tướng lĩnh nhà Nguyễn như: Nguyễn Tiến Lâm, Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ, đánh bại quân xâm lược Xiêm La và Chân Lạp.
Do lập được nhiều công trận ông được thăng chức từ Suất đội lên Chánh quản cơ năm 1845 chỉ huy 500 binh lính đóng tại thành An Giang. Năm Kỷ Dậu (1849), Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Trần Văn Thành được Phật Thầy Tây An dạy con đường học Phật tu nhân, từ đó ông theo Phật Thầy mở mang mối đạo, khẩn hoang lập làng, khuếch trương nông nghiệp như cấm cây thẻ quanh vùng Thất Sơn (hiện nay còn ở rạch Trà Kiết (Cần Đăng), Ngã Bát (Cái Dầu), Bài Bài (Vĩnh Tế), Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, Kiên Giang) – gọi là Dinh Ông Thẻ), mở mang trại ruộng Thới Sơn, Láng Linh, đào kinh Láng Linh – Cái Dầu (nhân dân còn gọi là kinh Ông Bà / mương Bờ Dâu).
Ngày 22/6/1867, quân đội Pháp chiếm thành Châu Đốc (tỉnh An Giang). Không khuất phục giặc, Trần Văn Thành kéo lực lượng dân binh về Bảy Thưa xây dựng căn cứ, đồng thời phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực kháng Pháp trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Láng Linh (xưa thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, nay là xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang) là một cánh đồng bao la bát ngát, không một kinh rạch thông vào, đế sậy mọc tràn lan dày đặc, nhiều chỗ sình lầy nước đọng quanh năm, lại có lắm thú to rắn độc. Vùng này ít có người lui tới, ngoại trừ những tay thợ săn và những người theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương đến chiêm bái trại ruộng “Bửu Hương Các” do ông Trần Văn Thành trông coi. Địa thế Láng Linh rất hiểm trở, vùng này quả là một căn cứ kháng chiến vững chắc.
Tại đây ông Trần Văn Thành ra lệnh tuyển mộ binh lính, xây dựng đồn chỉ huy Hưng Trung và có nhiều đồn trại xung quanh, tập trung các nhu cầu cần thiết cho việc kháng chiến mà ông đã chuẩn bị từ trước. Sau khi Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử tử (1868) tại Rạch Giá, Trần Văn Thành quy tụ nghĩa quân khắp vùng miền Tây về Láng Linh- Bảy Thưa xây dựng đồn lũy, rèn đao kiếm, súng ống, lương thực, đánh phá đồn bót giặc… Quân Pháp nhiều lần đánh vào Bảy Thưa nhưng không đạt kết quả.
Đầu năm 1873, thực dân Pháp cho người mang thư đến mua chuộc ông quy thuận. Ông cương quyết từ chối hợp tác với kẻ thù, tinh thần khảng khái đó được truyền tụng trong nhân dân: “Thà thua xuống láng xuống bưng, Nếu ra đầu giặc lỗi chưng quân thần” Biết không mua chuộc được Trần Văn Thành, thực dân Pháp huy động một lực lượng lính mã tà ở Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ tấn công nhiều hướng vào căn cứ Bảy Thưa từ ngày 19-20 tháng 3 năm 1873 (nhằm ngày 20 và 21 tháng 2 âl).
Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chống giặc và hy sinh anh dũng trước mũi súng của kẻ thù ngày 21 tháng 2 Quý Dậu (1873). Con trai thứ của ông là Trần Văn Chái (1855-1873) bị giặc bắt, sau đó tuẫn tiết trong khám Châu Đốc. Chiếm xong đại đồn Hưng Trung, quân Pháp thu nhập các súng hạn nhẹ, còn súng đồng và những lò đúc đạn dược, chúng phá hủy rồi đẩy xuống đìa cho mau mục sét. Các đồn trại và lương thực chúng nổi lửa đốt hết.
Theo tuyengiaoangiang
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành
Đền thờ này nằm sâu trong con đường làng bên bờ kinh Xáng Vịnh Tre, thuộc khu vực cánh đồng Láng Linh, ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Di tích lịch sử này còn có tên là Bửu Hương tự, nhân dân thường gọi chùa Láng Linh hay chùa Nhà Láng.
Đền thờ ông Trần Văn Thành (hay còn gọi là ông Đức Cố Quản), là người khai phá vùng đất này. Đền thờ của ông có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh của người dân An Giang.
Năm 1986, Đền thờ đã được công nhận là di tích Văn hóa lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 235-VH/QĐ ngày 12/12/1986 của Bộ Văn hóa – Thông tin
Phục dựng đền thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành
Đền thờ bị đốt vào tháng 2 năm 1913 (Quý Sửu), kỷ niệm ngày chiến đấu anh dũng của nghĩa binh Gia Nghị và cũng là ngày Trần Văn Thành hy sinh.
Đến năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh, vốn là tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đứng ra xây dựng lại đền thờ tại nền cụ, lợp ngói, xây tường khang trang rộng rãi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là cơ sở cách mạng của xã Thạnh Mỹ Tây. Năm 1947 lực lượng cách mạng từ đền thờ Trần Văn Thành kéo ra đánh tiêu diệt đồn Pháp cách đó 200m. Để trả thù, năm 1948, thực dân Pháp tiến hành khủng bố và đốt đền 1 lần nữa, chỉ còn lại 4 cây cột ở chính điện.
Đến năm 1952, nhân dân quanh vùng đóng góp tiền của và công sức xây dựng lại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành lần thứ ba. Ngôi đền tồn tại cho đến ngày hôm nay. Từ năm 1955 đến năm 1975, nơi đây là cơ sở cách mạng của xã, là nơi nuôi chứa, tiếp tế, liên lạc cho cán bộ hoạt động. Đền thờ tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi giữa một vùng quê sông nước yên ả bình dị, xung quanh ngôi đền trồng nhiều cây cổ thụ to cao sum xuê, cành lá phủ xanh mái ngói rêu phong. Đền thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc triều Nguyễn đậm dấu ấn truyền thống dân tộc, là một tổng thể kết hợp hài hòa, bố cục liền nhau, các công trình kiến trúc qui mô, đăng đối hài hòa, đường nét tinh xảo, tạo nên một vẻ đặt sắc riêng.
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành có gì tham quan?
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, kiến trúc dạng chữ “tam”, kiểu cổ lầu, mái hai cấp lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe và bê tông, tường gạch, nền lát gạch bông rất đẹp.
Phong cách kiến trúc triều Nguyễn đậm dấu ấn truyền thống dân tộc thể hiện trong nội thất. Các hương án, bài vị, hoành phi, liễn đối đều được chạm khắc công phu sắc nét và sơn son thiếp vàng. Các bàn thờ đều trang trí các tranh sơn thủy về cảnh làng quê sông nước. Trung tâm là ngôi thờ đặt Long đình chạm lộng tứ linh, hoa cỏ.
Hai bên thờ Trần Văn Chái, Đội nhất Năng. Vách hậu thờ Trần Văn Nhu, Đội chín Văn, Đề đốc Nguyễn Kế Trung. Hậu tổ thờ Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành. Hai bên thờ ông từ Ba, Đinh Văn Sang, Phạm Văn Khuê. Trong cùng thờ Đội tư Đinh Văn Hiệp, Đội nhất Cảm, cùng các hương án phối tự thờ các tín đồ vị quốc vong thân khác.
Về lễ hội, hàng năm ở đây có ba lần lễ cúng lớn vào rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười. Đặc biệt có hai lần kỷ niệm lớn:
- Ngày 20-21-22 tháng 2 âm lịch: đây chính là ngày vía của Quản cơ Trần Văn Thành – kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh.
- Ngày 5 tháng 5 âm lịch: kỷ niệm ngày mất của bà Quản cơ Trần Văn Thành
Lễ hội đón hàng ngàn lượt người đến chiêm bái, cúng viếng. Muôn người như một, trong khói hương nghi ngút và trang nghiêm đều tưởng nhớ công ơn của Đức Cố Quản, sự hy sinh của những người đã mất để cho dân tộc được sống bình yên ngày hôm nay.
Bài viết liên quan: